Được biết đến là một người mạnh dạn dấn thân vào lĩnh vực mới, đó là nuôi trồng, chế biến sản phẩm đông trùng hạ thảo, trải qua rất nhiều khó khăn với lòng quyết tâm, thời gian qua, chị Nguyễn Thị Hồng đã đưa công ty của mình trở thành tập đoàn nông nghiệp công nghệ cao với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho hàng trăm người.
Với những thành công ban đầu, nữ tỷ phú mong muốn truyền đam mê cũng như nhiệt huyết cho thế hệ trẻ để khởi nghiệp với nền nông nghiệp nước nhà.
“Tôi là một người đi lên từ nền nông nghiệp nên muốn các em học sinh nói riêng và thế hệ trẻ Việt Nam hiểu hơn về nông nghiệp đất nước mình, yêu nghề nông nghiệp hơn. Quan trọng là thay đổi suy nghĩ của các em rằng cứ học Sinh học là phải làm bác sĩ, phải làm ở các viện nghiên cứu.
Nếu ai cũng làm những việc nhàn hạ thì vất vả dành cho ai? Tôi cũng muốn thay đổi tư duy của các em rằng nông nghiệp không phải là về quê và đi làm ruộng, chúng ta có thể áp dụng khoa học kỹ thuật với nông nghiệp để tạo ra hiệu quả kinh tế, qua đó, khơi dậy cho các em về tình yêu trong nông nghiệp”, nữ tỷ phú cho hay.
Chính vì thế, khi biết trong chương trình giáo dục phổ thông mới có môn học hướng nghiệp trong hoạt động trải nghiệm, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Hồng đã đồng ý cho các cơ sở giáo dục đưa học sinh về cơ sở nuôi trồng nấm dược liệu đông trùng hạ thảo tươi của công ty mình để tham quan, trải nghiệm, thậm chí tặng học sinh dụng cụ thực hành ngay tại cơ sở. Tất nhiên, toàn bộ chi phí trải nghiệm cũng như tổ chức đều được miễn phí.
“Vừa qua, tôi rất vui vì được đón hơn 50 học sinh lớp Chuyên Sinh trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên về trải nghiệm nuôi trồng đông trùng hạ thảo, nấm linh chi tại cơ sở của mình.
Tại buổi trải nghiệm tôi và chuyên gia của công ty đã trả lời tất cả câu hỏi của học sinh về nấm linh chi cũng như đông trùng hạ thảo. Tôi hướng dẫn các em chi tiết về quy trình nuôi trồng. Sau đó, học sinh được thực hành tại cơ sở và được mang sản phẩm của mình về nhà quan sát cũng như hiểu hơn về các loại nấm trên thế giới.
Tôi cũng chia sẻ với các em, sản phẩm của bạn nào đạt yêu cầu chúng tôi sẵn sàng mua lại sản phẩm. Nhiều người cũng hỏi vì sao tôi bỏ công, bỏ sức, thậm chí bỏ vật chất ra làm thế? Tôi chỉ cười và nói tôi muốn bồi dưỡng những “hạt giống đỏ” của tương lai”, chị Hồng nói.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Hồng mong rằng những tiết học trải nghiệm của học sinh ở cơ sở thực sự ý nghĩa, khơi dậy ý tưởng khởi nghiệp từ nông nghiệp của các em.
“Tôi tin rằng trong số 100 học sinh thì cũng có 1-2 bạn thực sự yêu thích làm nông nghiệp bằng khoa học kỹ thuật cũng như bằng công nghệ cao để mang lại lợi ích kinh tế cũng như đưa thương hiệu nông nghiệp của Việt Nam có chỗ đứng vững chãi trên thị trường quốc tế”, chị Hồng tâm sự.
Hiện nay cơ sở của chị Hồng đang dành thứ 7 và Chủ nhật để học sinh đến thăm quan, làm thí nghiệm hoàn toàn miễn phí, nếu cơ sở giáo dục nào mong muốn đến vào những ngày khác thì chị Hồng vẫn sẵn sàng đón tiếp và chia sẻ.
Lâu nay, chị Hồng cũng được biết đến là một trong những vị lãnh đạo dành ngân sách của công ty để trao học bổng cho sinh viên Đại học Y Hà Nội.
“Điều tôi trăn trở nhất là làm sao tạo cảm hứng cho học sinh yêu nghề nông nghiệp, tôi muốn nói với các em những gì mình đã làm, đó là ngành nghề nhiều tiềm năng và thu nhập tốt.
Nhiều khi tôi băn khoăn khi Việt Nam có tài nguyên đất màu mỡ, nước thì nhiều mà đi nhập khẩu rau củ quả nước ngoài. Vậy nên tôi mong muốn thế hệ sau nhiều người làm tốt hơn tôi”, chị Hồng nói.
Theo vị Tổng giám đốc này thì muốn phát triển kinh tế nông nghiệp thì phải ứng dụng khoa học công nghệ, phải chủ động về giống, chủ động quy trình công nghệ, quy định bào chế cũng như chế biến sau thu hoạch, nếu không thì dễ rơi vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Nữ tỷ phú cho rằng, con đường khởi nghiệp phải trải qua nhiều công đoạn mới đến đích. Các bạn hãy học chắc lý thuyết và bắt tay ngay vào thực hành, thực hành những cái nhỏ cũng được vì các bạn không có bước đi đầu tiên thì không thể đi xa được.
“Tôi chỉ mong muốn góp sức giúp đỡ học sinh đi những bước đi đầu tiên cho hành trình trải nghiệm của mình. Các em được trải nghiệm chính những sản phẩm tay mình làm ra là bài thực hành có hiệu quả nhất”, chị Hồng nói.
Ông Phạm Đình Anh – Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hòa (huyện Thanh Oai, Hà Nội) nói: “Chị Hồng là doanh nhân có tài lại có tâm, đóng góp nhiều cho công tác an sinh xã hội tại địa phương. Hằng năm, chị Hồng dành nhiều thời gian cùng Hội Nông dân thành phố Hà Nội và Hội Nông dân huyện Thanh Oai tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ nuôi cấy đông trùng hạ thảo cho hàng nghìn nông dân, qua đó nhiều người đã khởi nghiệp và có cuộc sống mới tốt hơn”.