Chị từng sống trong những ngày ở mức “âm” của cuộc sống, đó là khi khoảng 5.000 lọ mẫu nuôi cấy đông trùng đều thối trước ngày chị định đưa vào sản xuất đại trà. Sau đó, chị tiếp tục gặp phải sự cố ở khâu bảo quản bởi quy mô sản xuất lớn khác hoàn toàn so với việc nghiên cứu lượng nhỏ trong phòng thí nghiệm.
Những tưởng phải bỏ cuộc, song bằng sự quyết tâm và đam mê, chị đã quyết tâm nghiên cứu, làm lại từ đầu. Cùng với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia và Sở Khoa học – Công nghệ Hà Nội, chị đã nuôi cấy và bảo quản thành công giống đông trùng hạ thảo có hàm lượng hoạt chất cordycepin cao. Khi câu chuyện nghiên cứu đã thành công thì chuyện bán hàng và vận hành doanh nghiệp đối với một nhà khoa học như chị không dễ dàng.
“Thời gian đầu, gần như tôi chỉ có thể mang biếu và đem tặng sản phẩm. Thậm chí có những lúc mình phải mời khách hàng dùng thử miễn phí. Khi họ sử dụng có hiệu quả, nhiều người biết tới mình, lúc đó, tôi mới bắt đầu định hình được cách thức làm marketing, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm thị trường”, chị Hồng bồi hồi nhớ lại.
Hiện tại, chị đã có thể vận hành chuỗi 61 cửa hàng bán các dạng thành phẩm từ đông trùng hạ thảo trên toàn quốc, tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương và hàng trăm lao động ở các vùng nguyên liệu trong nước. Để có thể điều hành khối lượng công việc lớn như vậy, chị Hồng luôn học tập, nâng cao kĩ năng quản trị, kinh doanh; đồng thời liên tục cập nhật xu hướng phát triển của thị trường cũng như tiếp tục chuyên môn nghiên cứu để theo kịp sự phát triển của khoa học toàn cầu. Chị luôn lên kế hoạch sớm để có sự chuẩn bị tốt nhất về mặt nhân sự, tài chính khi thực hiện.
Đối với công việc hàng ngày, chị chủ động thiết lập thời gian biểu cho từng phần việc: nghiên cứu, sản xuất, marketing và đào tạo. “Quan điểm của tôi là mình phải rạch ròi giữa các phần việc, không để cảm xúc cá nhân từ việc này xen vào việc khác, cũng như không mang công việc về gia đình và ngược lại. Việc quản trị thời gian một cách khoa học giúp tôi luôn chủ động thực hiện các kế hoạch mình đề ra”.
Trong vận hành doanh nghiệp, chị ưu tiên cho việc quản trị đội ngũ nhân lực. “Mình không phải người đi bán hàng trực tiếp, bởi vậy mình phải đào tạo, chăm sóc cũng như tôn trọng đội ngũ nhân lực. Họ sẽ là những “chiến binh” xông pha trên hành trình đưa sản phẩm của mình ra thị trường”, chị Hồng chia sẻ. Để làm được điều đó, chị cho biết, bản thân người lãnh đạo phải có tâm, có tầm, biết trân trọng và tạo động lực thúc đẩy các nhân tố mới, để những người trẻ nhiệt huyết cống hiến cho công việc.